Di tích lịch sử
04 Điểm di tích lịch sử trên địa bàn phường Phương Canh
1/ Đình Hòe Thị:
Đình Hòe Thị có từ rất sớm, ban đầu ở trên đất xóm Gáo. Theo niên đại của đạo sắc phong cổ nhất và bức chạm khắc còn giữ tại đây, có thể đoán rằng đình được xây vào khoảng thế kỷ 17. Đến năm 1831 dưới đời vua Minh Mạng, dân làng mới di chuyển đình ra vị trí ngày nay. Ngày 9-1-1990, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
2/ Chùa Hòe Thị (Hương Đỗ Tự)
Chùa Hòe Thị tên chữ Hương Đỗ Tự, nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, mặt tây giáp đường TL70A, mặt nam giáp đoạn đầu con ngõ 143 Xuân Phương rẽ vào làng Hòe Thị. Tên nôm của làng này là Canh Chợ, trước kia thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tương truyền chùa được xây dựng vào khoảng giữa thời Lê Trung Hưng, tức là đã hơn 300 năm tuổi.
Trải qua ba thế kỷ với nhiều biến động xã hội và tự nhiên, ngôi chùa từng bị đổ nát nhưng ít nhất cũng đã đại trùng tu vào năm 1928. Ngày 9-1-1990 chùa Hòe Thị được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Hiện nay, chùa đang được tôn cao và mở rộng nhưng về cơ bản vẫn mang dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.
3/ Đình Tu Hoàng
Đình Tu Hoàng có từ thế kỷ 16, thờ vua Lý Nam Đế (503-548) làm thành hoàng. Ngài sinh tại phủ Long Hưng, tên là Lý Bôn tức Lý Bí. Ngài lớn lên văn võ song toàn, dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, xưng đế và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào năm 544, lấy niên hiệu Thiên Đức. Sau khi mất, Lý Nam Đế được thờ ở rất nhiều nơi trên đồng bằng sông Hồng.
4/ Chùa Nhổn (Càn Phúc Tự)
Chùa Nhổn tên chữ là Càn Phúc Tự, được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia vào ngày 22/4/1992. Ngoài những hiện vật thông dụng như ngựa gỗ, chuông đồng,... trong chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng Phật khá phong phú và có phong cách độc đáo.